Làm thế nào để con tự giác học?

Nếu trong nhà ba mẹ tối ngày chửi bậy nói tục thì cấm cản cách gì con cái cũng sẽ nói bậy chửi tục. Con cái nhìn thấy hết và học theo cách ba mẹ đang sống!

Bởi vì dạy con giỏi không phải là đổ kiến thức cho đầy đầu. Những chiêu trò ép phạt, khuyến khích, khen thưởng, rồi cũng sẽ có lúc bị nhàm. Làm sao để và ham học hỏi là một bài toán khó với rất nhiều cha mẹ.

Tôi đang theo học tiếng Anh ở một trung tâm khá mắc, mỗi tháng gần 4 triệu. Vậy mà rất nhiều cô cậu choai choai trong lớp toàn đi muộn về sớm, không làm bài tập, lên lớp thì trêu chọc giỡn hớt giáo viên. Trung tâm cho học lại miễn phí, nhưng chả thiết tha: “Em bận lắm, em tiếc thời gian”!

74225b0861096d0a91f2c3b1d5bec57c
Ép con học là hiện trạng phổ biến trong nhiều gia đình hiện nay.

Nhiều đứa được cha mẹ chăm sóc tới tận răng để chỉ có mỗi việc học, thậm chí tốt nghiệp đại học. Nhưng rồi cầm tấm bằng xong là xong, ớn học tới hết đời!

Con tôi luôn được duy trì tình trạng hơi đói học một chút. Tôi dứt khoát không ép, nhất là những năm tháng đầu tiên của đời đi học. “Con làm bài tập nếu mệt thì thôi nha”. “Con chán học thì dừng lại làm việc khác đi!”.

Không ép học thì mới đói học được!

Có bạn sẽ nói: “Ôi tại con bà ấy con gái nên chăm chỉ, chứ con mình thì không ép là bỏ học ngay, đứng cuối lớp ngay!”.

Cứ bình tĩnh! không ép mới chỉ là 1 vế. Vế tiếp theo là chính tôi phải học.

Khá may mắn khi tôi làm nghề báo, cái nghề khắc nghiệt, mọi thứ hay ho hoặc sai sót của bạn nó phô ra lồ lộ trước cả triệu người ngay ngày hôm sau. Thế nên là sợ lắm, không học mỗi ngày thì bạn đọc chửi vào mặt ấy chứ!

Sau giờ ăn cơm, khi con ngồi học bài là tôi cũng ngồi học bài, đọc sách, hoặc đọc báo, tìm thông tin trên mạng… ở một bàn khác. Con tôi thường nhìn thấy mẹ vừa nấu ăn vừa đọc vừa học, thấy mẹ cắp sách vở đi học rồi về hì hụi làm bài tập. Thấy mẹ cũng cuống lên vì đi học muộn, cũng lo lắng làm bài tập. Buổi nào học được điều gì hay còn gọi điện thoại kể tứ tung với mấy cô bạn thân.

Thêm nữa, với cuộc sống đơn thân, tôi một mình phải lo từ A tới Z trong nhà, trong đó có nhiều việc đàn ông, và ngày nhỏ tôi chưa từng tập làm như mua nhà, xây nhà, sửa nhà, chuyển nhà, sửa chữa đồ dùng, mua sắm nội thất…

Con tôi cũng được nhìn thấy mẹ làm sai, làm hỏng, ngồi vò đầu bứt tóc, thậm chí cả khóc lóc 1 hồi rồi đi tìm tài liệu, đi học hỏi người ngày người kia, để làm lại. Mẹ cũng đang học sứt đầu mẻ trán kìa, con có đồng môn, có đồng minh thì việc học cũng đỡ oải!

Hôm rồi Xu – cô con gái của tôi về kêu “Mẹ ơi thầy bảo con học kém tiếng Anh, con thấy tiếng Anh khó quá!”. Ngay lập tức tôi rút 1 cục tiền ra, tới 1 trung tâm để ghi danh học tiếng Anh.

Tôi tính toán thế này, ví dụ có 10 triệu để con học tiếng Anh, tốt nhất tôi cắt ra 1/3 để tôi học, 2/3 để 2 con. Rồi về nhà 3 mẹ con cùng học với nhau, đó là cách lãi nhất! Ngày xưa, Xu khó ăn, tôi cứ ráng đút cho Xu ăn xong bữa rồi tôi mới ăn. Vậy là sai, bữa ăn hào hứng nhất, tốt nhất là mẹ con ăn cùng nhau!

Tôi nhìn đã nhìn thấy nhiều mẹ đưa con đi bơi. Mẹ cứ đứng trên bờ hò hét: “Bơi đi! Bơi ra kia kìa! Nước có gì mà sợ!”. Tại sao mẹ không mặc áo bơi, rồi nhảy ùm xuống bể hớn hở, vùng vẫy, khi đó chả cần hò hét “Nước có gì mà sợ” nữa!

Một người bạn hỏi tôi: “Con tao cấp 2 lớn tướng rồi mà chưa biết làm cái gì. Mày tìm xem có khóa học kỳ trong quân đội, khóa học kỹ năng sống nào cho nó đi với”. Tôi trả lời: “Nó không phải đi học đâu hết, đầu tiên là chị cần đi học. Chị đi học 1 khóa kỹ năng, rồi về chị dạy con, vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả!”. Bởi vì, ba mẹ là người thầy tốt nhất của con.

Và người thầy tốt nhất không phải là người truyền được nhiều kiến thức, mà là người truyền được cảm hứng học. Con đã có cảm hứng học thì nó tìm khắp nơi để học. Còn cứ mải mê nhồi kiến thức thì biết đến khi nào mới đủ, biết đâu cái bây giờ đúng thì lại thành sai sau 10 năm nữa? Tôi cứ cho con đi chơi, cho đọc sách, cho thực hành, cho làm thử, cho trách nhiệm… để con tự thấy rằng ôi nhiều thứ mình chưa biết quá, cuộc đời hay ho kỳ thú quá, kiến thức mênh mông, muốn tìm là sẽ thấy, cứ gõ là cửa sẽ mở…

Chính con, không phải ai khác, phải thấy được rằng học là hơi thở, học không thể thiếu, không thể ngừng. Học cần thiết cho mình, chứ không phải vì sợ thầy kiểm tra hay mẹ ép mẹ la bải bải bên tai. Dạy con giỏi không phải là đổ kiến thức cho đầy đầu. Những chiêu trò ép phạt, khuyến khích, khen thưởng, rồi cũng sẽ có lúc bị nhàm. Tôi muốn con yêu việc học từ đúng bản chất nguyên thủy của nó: Học để hiểu biết!

Tôi cũng đã thấy nhiều nhà không cần kêu gào, không cần phạt, con cũng nghe. Họ dạy con bằng chính cách ba mẹ học và lao động và sống, mỗi ngày.

Tôi đi mua cà phê dưới chân chung cư, bà chủ tiệm nói: “Mấy siêu thị tiện lợi đang muốn mướn nhà chị, họ trả giá cao lắm. Nhưng cho thuê mặt bằng rồi ngồi không, chị thấy khó dạy con!”.
3267c3ef160da89cc9d05c30237d6013
Làm sao để con tự giác học? Chỉ cần ba mẹ tự giác học! (Ảnh minh họa).

Ông bố Nhật Ohmae Kenichi tác giả cuốn “Yêu thương không cấm đoán” cũng nói với con trai của ông rằng: “Thôi, thay vì học, con hãy chơi game đi!”. Thậm chí ông còn đồng ý cho con bỏ học. Sao liều quá vậy? Vì từ hồi con còn nhỏ, gia đình ông đã ăn cơm cùng từ điển, đã đọc sách, tranh luận với con mỗi ngày. Ông ấy học tập cùng con, thi đua với con, vì con mà viết sách, và lao đầu vào học cả những lĩnh vực khó nhằn nhất. Giờ ông có xui con chơi game đi thì nó cũng chả hư hỏng được.

Chả có gì giúp con cái nhanh tiến bộ bằng việc ba mẹ học cùng con, nhanh hơn 3 tới 4 lần con học một mình. TS Lê Thanh Hải nói: Học cùng con là một ngành khoa học được nghiên cứu hẳn hoi, tên là modelling.

Nếu một đứa trẻ sống trong một ngôi nhà mà ba mẹ chăm học, chăm làm thì thường con cũng chăm học, chăm làm. Nếu trong nhà ba mẹ tối ngày chửi bậy nói tục thì cấm cản cách gì con cái cũng sẽ nói bậy chửi tục. Con cái nhìn thấy hết và học theo cách ba mẹ đang sống!

Làm sao để con tự giác học? Chỉ cần ba mẹ tự giác học!

Làm sao để con thích đọc sách? Chỉ cần ba mẹ thích đọc sách!

Làm sao để con thành người tử tế? Chỉ cần hãy ép mình lao động tử tế, sống đàng hoàng trước mắt con mỗi ngày!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *